Bs CKII. Phan Mỹ Hạnh chia sẻ: Bệnh mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người lớn. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia có khoảng 30% dân số than phiền về sự gián đoạn giấc ngủ, và khoảng 10% có các triệu chứng suy giảm chức năng ban ngày phù hợp với chẩn đoán mất ngủ.
Đọc thêm: Rối loạn giấc ngủ và cách điều trị đúng bạn nên biết
Bệnh mất ngủ đang có hiện tượng trẻ hóa
Với lối sống căng thẳng hiện nay, tình trạng mất ngủ có phần gia tăng hơn ở người trẻ. Kết quả khảo sát biểu hiện triệu chứng mất ngủ theo nhóm tuổi cho thấy:
- Người trưởng thành từ 18 – 29 tuổi, chiếm tới 68%
- Từ 30 – 64 tuổi, chiếm 59%
- Từ 65 tuổi trở, chiếm 44%
Triệu chứng bệnh mất ngủ
Đa phần mỗi người đều trải qua giai đoạn mất ngủ cấp do căng thẳng, lo lắng,…
Bệnh mất ngủ là khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Và sẽ có ít nhất 1 trong những biểu hiện sau:
- Khó đi vào giấc ngủ
- Khó duy trì giấc ngủ (thức dậy vào ban đêm và khó ngủ trở lại)
- Thức dậy quá sớm
- Ngủ không ngon giấc (hay “giấc ngủ không phục hồi”)
- Mệt mỏi hoặc giảm năng lượng
- Suy giảm nhận thức: khó tập trung
- Rối loạn tâm trạng: cáu kỉnh
- Các vấn đề hành vi: dễ gây hấn hoặc hung hăng
- Khó khăn trong làm việc hay học tập
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, rạn nứt tình cảm gia đình, bạn bè.
Thời gian mất ngủ rất quan trọng. Mất ngủ được coi là mãn tính nếu xảy ra ít nhất 3 đêm mỗi tuần và kéo dài ≥ 3 tháng.
Nguyên nhân mất ngủ thường gặp
Tại thời điểm này, chứng mất ngủ của bạn có thể là do thói quen. Ví dụ như thói quen thức đêm hoặc ngủ trái đồng hồ sinh học.
Hơn 40% người bệnh không rõ nguyên nhân gây mất ngủ
Mất ngủ có thể đi kèm với một bệnh nội khoa hoặc một rối loạn tâm thần khác cần được điều trị.
Gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng mất ngủ là do não bộ không thể ngừng tỉnh táo. Não bình thường có một chu kỳ ngủ và một chu kỳ thức, cái này bật thì cái kia tắt. Mất ngủ có thể là rối loạn một trong 2 chu kỳ này.
Bất kể nguyên nhân là gì, nếu mất ngủ thường xuyên, làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi cả ngày, ảnh hưởng đến năng suất và không còn hứng thú quan tâm với bạn bè, gia đình hoặc sở thích. Nếu bạn đã cố gắng tự điều chỉnh thói quen ngủ của mình mà không hiệu quả thì nên đến bác sĩ tư vấn và điều trị.
Chẩn đoán bệnh mất ngủ
Không có xét nghiệm chắc chắn cho chứng mất ngủ. Các bác sĩ sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau để chẩn đoán và đo lường các triệu chứng. Một số trong đó là hỏi bạn các thông tin về giấc ngủ, yêu cầu bạn điền vào nhật ký và bảng câu hỏi, thực hiện một số xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh nội khoa có thể gây mất ngủ như bệnh lý tuyến giáp, hoặc thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm (đo đa ký giấc ngủ).
Ghi nhật ký trước khi đi tư vấn bác sĩ
Để giúp bác sĩ nắm rõ chứng mất ngủ của bạn và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp, bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau, ghi lại vào nhật ký, để có thể khai chi tiết với bác sĩ những thay đổi về giấc ngủ của mình:
1.Bạn có khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu hay thức dậy quá sớm? Khó ngủ mấy ngày trong tuần?
2.Lịch trình giấc ngủ của bạn: đi ngủ, thức dậy và ngủ trưa trong ngày lúc mấy giờ ? (ngủ mấy lần vào ban ngày)
3.Lịch trình ngủ cuối tuần có khác với trong tuần hay không? Lịch làm việc có yêu cầu bạn điều chỉnh giấc ngủ hay không?
4.Bạn sẽ làm gì khi không ngủ được? có rời khỏi giường, đọc sách, xem TV, làm việc trên máy tính xách tay ? Bạn đã từng làm gì để ngủ được ngon hơn?
4.Bạn có thức giấc vì lo lắng về trách nhiệm và nhiệm vụ?
5.Môi trường ngủ của bạn như thế nào: Bạn ngủ một mình hay với chồng/vợ? Phòng ngủ có tối và yên tĩnh? Giường ngủ có thoải mái không? Bạn có bị ai đánh thức trong đêm, ví dụ, có trẻ nhỏ trong nhà?
6.Bạn bị khó ngủ trong bao lâu? Bạn có nhớ khoảng thời gian đã từng khó ngủ và ngủ lại được, hoặc mới xảy ra gần đây?
7.Bạn đã có bất kỳ thay đổi lớn nào (di chuyển, công việc mới) hay bất kỳ căng thẳng nào trong cuộc sống gần đây (một cuộc chia tay, rắc rối tài chính)?
8.Bạn có đang mắc bệnh gì không?
Điều trị bệnh mất ngủ
Nên xem mất ngủ là một vấn đề của sức khỏe, cần đến bác sĩ tư vấn ngay khi mất ngủ kéo dài. Có nhiều lựa chọn cho điều trị:
Liệu pháp nhận thức và hành vi không thuốc
Bao gồm huấn luyện thư giãn, kiểm soát kích thích, hạn chế giấc ngủ và liệu pháp nhận thức…
Một số trong những kỹ thuật này có thể tự học, một số kỹ thuật khác cần sự giúp đỡ của một nhà trị liệu hoặc chuyên gia về giấc ngủ.
Huấn luyện thư giãn, hoặc thư giãn cơ nâng cấp dần, dạy người tập căng và thư giãn các cơ ở các vùng khác nhau của cơ thể một cách có hệ thống. Điều này giúp làm dịu cơ thể và gây ngủ. Các kỹ thuật thư giãn khác bao gồm các bài tập thở, kỹ thuật thiền, yoga, hướng dẫn bằng hình ảnh hoặc các bản ghi âm, có thể giúp bạn ngủ ngon và dễ ngủ lại khi thức giấc.
Đọc thêm: 6 bài tập yoga chữa mất ngủ đơn giản tại nhà
Hạn chế giấc ngủ bao gồm một lịch trình nghiêm ngặt về thời gian ngủ – thức và tránh ngủ nướng.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) bao gồm thay đổi hành vi (như ngủ và thức vào giờ nhất định, ra khỏi giường sau khi thức dậy trong 20 phút và không ngủ vào buổi chiều) và cũng cố nhận thức hoặc “suy nghĩ”. CBT đã đánh tan niềm tin và nỗi sợ hãi không lành mạnh xung quanh giấc ngủ và dạy cho bạn suy nghĩ tích cực hơn. Có rất nhiều các nghiên cứu hỗ trợ áp dụng CBT cho chứng mất ngủ. Trong một nghiên cứu, bệnh nhân mất ngủ được tham dự một phiên CBT qua internet mỗi tuần trong 6 tuần. Kết quả: giấc ngủ được cải thiện tốt hơn.
Thuốc hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ
Có nhiều loại hỗ trợ giấc ngủ khác nhau, bao gồm cả thuốc không kê toa.
Xác định loại thuốc nào phù hợp với cá thể nào phụ thuộc vào các triệu chứng mất ngủ và nhiều yếu tố sức khỏe khác nhau. Đây là lý do tại sao phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Các nhóm chính của thuốc điều trị mất ngủ theo toa bao gồm thuốc an thần benzodiazepine, thuốc an thần không phải benzodiazepine và thuốc chủ vận thụ thể melatonin.
Đọc thêm: Top 7 thuốc trị mất ngủ tốt nhất và an toàn 2020
Thuốc thay thế
Có những loại thuốc thay thế có thể giúp một số người cải thiện giấc ngủ. Điều quan trọng cần biết là các sản phẩm này không bắt buộc phải qua các xét nghiệm an toàn giống như thuốc, vì vậy tác dụng phụ và hiệu quả của chúng không được hiểu rõ.
Đọc thêm: Bs. Phạm Tiến Phương chia sẻ cách chữa mất ngủ không dùng thuốc